NHỮNG CHÚ Ý TRONG ĂN, UỐNG Ở NGƯỜI MẮC BỆNH MẠN TÍNH
Thời tiết chuẩn bị bước sang mùa nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, nhất là đối với những người mắc bệnh mạn tính (tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút…) có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong.
Bệnh tăng huyết áp Người bệnh tăng huyết áp được khuyến cáo hết sức thận trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng. Nắng nóng sẽ gây nên các tác động tới huyết áp, đó là gây giãn mạch, ra nhiều mồ hôi gây mất nước và điện giải dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp quá mức, nhất là các bệnh nhân có nguy cơ hạ huyết áp tư thế, thường gặp ở người cao tuổi. Hạ huyết áp dẫn đến thiếu máu nội tạng, nhất là thiếu máu não dẫn đến ngất xỉu, thậm chí tai biến. Chưa kể còn một nguy cơ khác là đang nóng (gây giãn mạch) lại vào lạnh (như vào phòng, vào xe ô tô có điều hòa) gây co mạch đột ngột làm huyết áp có thể tăng vọt lên gây tai biến. Trời nóng còn khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp vì thế cũng tăng theo. Vì vậy trong chế độ ăn ở nhóm người bệnh này ngoài việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, cần đầy đủ các vitamin và khoáng chất, ăn ít natri, giàu kali, calci, magie, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, lợi niệu, giảm acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo. Nên uống khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống. Không nên uống thức uống có đường, nước ngọt có gas... Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Ăn nhiều rau quả xanh, trái cây để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê... nên uống các thức uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như: Canh lá vông, hạt sen, ngó sen, nước đậu đen (đậu đen có tác dụng bổ thận, trừ phong thấp, giải độc, bổ sung vitamin…), nước artiso (có tác dụng bổ gan, lọc máu, bổ tim, chống độc, lợi tiểu…), nước vối (giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát).
👉 Bệnh tim Khi thời tiết nóng nực làm cho cơ thể đổ mồ hôi dẫn tới mất nước nên có nguy cơ rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh tim, có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận trước thận (thận không đủ nước để lọc). Thời tiết nắng nóng cũng dễ làm xuất hiện tác dụng phụ của các thuốc điều trị kèm theo như các thuốc ức chế men chuyển (làm suy thận, tăng creatinin trong máu). Thể tích tuần hoàn giảm sẽ gây hiện tượng máu bị cô đặc, trở thành điều kiện thuận lợi cho tai biến tắc mạch do huyết khối, đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thuốc chống đông không đầy đủ. Để giảm những nguy cơ trên, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn, uống nhiều lần trong ngày, không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước. Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành thường có mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Do đó, mối nguy hại cho người bệnh tim mạch khi thời tiết nắng nóng là thể tích tuần hoàn giảm sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề. Các bệnh nhân này cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.
👉 Bệnh đái tháo đường Vào mùa hè, những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như đột quỵ, hạ đường huyết, ngộ độc ceton acid… Khi có dấu hiệu ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, có thể là biểu hiện cảnh báo đột quỵ nhiệt, cần nhanh chóng xử lý bằng cách cho uống nước mát, chú ý uống bổ sung đủ lượng nước cần thiết không nên uống cùng một lúc quá nhiều nước hay uống nước đá quá lạnh. Nếu không thấy đỡ thì ngay lập tức phải đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Chú ý bổ sung thức ăn nhẹ giữa các bữa ăn và ăn bữa phụ trước khi đi ngủ. Chế độ ăn cho người đái tháo đường trong mùa nóng cần lưu ý: Chọn hoa quả tươi, thành phần có chứa nhiều vitamin C như: Dưa hấu, cam, thanh long, táo, cà chua… Ngoài ăn trực tiếp, dùng các loại hoa quả này ép lấy nước uống hoặc làm sinh tố cũng rất tốt. Hạn chế ăn các loại hoa quả có chứa nhiều đường như mít, vải, nhãn, xoài… có thể tự chế biến một số loại nước giải khát, nước mát. Ngoài tác dụng giải khát, nước mát còn giúp đưa vào cơ thể một lượng nước có thể giải nhiệt làm bớt nóng nảy, bứt rứt khi nhiệt độ cơ thể lên cao. Nên hạn chế dùng các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, các món ăn dạng chiên, xào và các món chứa nhiều gia vị có tính cay nóng. Nên ăn nhiều thức ăn mát, như: các loại rau củ quả giàu kali (rau má, cà chua, mồng tơi, rau đay, diếp cá, xà lách…). Trung bình mỗi ngày một người nên ăn ít nhất 300g trái cây và 300g rau xanh. Người bệnh đái tháo đường nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, có hàm lượng glucid ≤ 5%, gồm các loại thịt nạc, cá, đậu phụ với số lượng vừa phải, hầu hết các loại rau xanh và một số loại trái cây ít ngọt như: Dưa bở, dưa chuột, mận, nho ta, ổi,...
👉 Bệnh gút Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị, nó có tác dụng giúp phòng ngừa cơn gút cấp, ngăn ngừa trở thành gút mạn tính và các biến chứng khớp, thận, tim mạch... Chế độ ăn của bệnh nhân gút nên sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như các sản phẩm sữa ít béo, các loại protein có nguồn gốc thực vật sẽ hạn chế tăng acid uric máu. Nên ăn các loại thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa như quả lựu, quả mâm xôi, dâu tây, quả cherry và thực phẩm có tính kiềm. Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như các loại hải sản, cá cơm, cá trích, cá mòi, trứng cá muối, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn), thịt gia cầm, thịt hun khói, giăm bông, mỡ động vật; không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng acid máu; không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp; không ăn chế phẩm có cacao, sôcôla; tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài xuất axit uric qua thận hậu quả là làm tăng lactat máu. Tăng cường đào thải axit uric qua thận bằng uống nhiều nước nhất là những ngày nóng nực. Giảm lượng đạm trong khẩu phần: tổng lượng thịt hoặc cá... khoảng 100 gam/ngày. Những người mắc các bệnh mạn tính hãy bảo đảm quy tắc: Không cố ăn nhiều, nhưng ăn đủ dinh dưỡng. Các món ăn mùa hè nên dùng là các loại cháo, súp… vừa đủ dinh dưỡng, vừa cung cấp thêm nước cho cơ thể. Một bát súp thịt với các loại rau, củ, quả, có thể cung cấp được cả tinh bột, đạm và các loại vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, các loại nước trái cây như: Cam, bưởi, nước ép rau củ… luôn là sự lựa chọn tốt để cung cấp vi chất dinh dưỡng, cung cấp nước, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong mùa nắng nóng.
👏 Nguồn; Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Bộ Y tế