Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2039

Thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039. Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036

. Sáng ngày 14/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Tới dự và phát biểu tại Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng với sự tham gia của đại diện các Bộ ngành, các đối tác phát triển và chuyên gia. Hội thảo nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến về phạm vi và nội dung của dự thảo "Đề án phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số". Chủ động thích ứng Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: "Bộ LĐ-TB&XH xây dựng "Đề án phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số" nhằm xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Đề án dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5/2021". Thứ trưởng cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác dân số, chuyển đổi nhân khẩu học và phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ vậy, tốc độ tăng dân số được kiểm soát ở mức hợp lý, tuổi thọ bình quân của người dân được cải thiện nhanh, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng tiến bộ. Trong thị trường lao động, tỷ lệ dân số có việc làm ở Việt Nam luôn ở mức cao và tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, kể cả trong thời kỳ chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê và Quỹ phát triển Dân số của Liên hợp quốc, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, nghĩa là chỉ còn 19 năm nữa. "Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến năm 2036 - đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới" - Thứ trưởng cho biết thêm. Từ đó, Thứ trưởng đưa ra hai vấn đề cơ bản đặt ra cho Việt Nam trong thời gian tới, đó là, thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao và tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ. Đề án nhằm mục tiêu phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với già hóa dân số, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, tăng đáng kể lực lượng lao động có kỹ năng, tăng cường việc làm đầy đủ và thỏa đáng cho người lao động, đảm bảo an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi… Nhiệm vụ cấp bách Tại hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: "Trong những năm qua Việt Nam đã ban hành, và triển khai nhiều chính sách, biện pháp về kinh tế dân số và xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng". Tuy nhiên, theo ông Lưu Quang Tuấn, chất lượng nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, trình độ, kỹ năng của người lao động còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động, kết quả sử dụng lao động chưa hiệu quả, hệ thống chăm sóc xã hội còn yếu kém… Vì thế, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, việc xây dựng Đề án với hệ thống các giải pháp chương trình nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác dân số trong tình hình mới là hết sức cần thiết và cấp bách. Theo ông Lưu Quang Tuấn, nội hàm của phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số gồm 4 cấu phần bao gồm: Y tế và dân số, lao động và việc làm, an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo. Để có thể phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số, ông Lưu Quang Tuấn đề ra nhiều giải pháp như, hoàn thiện luật pháp, nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động, đảm bảo an ninh thu nhập và phát triển việc làm cho người cao tuổi, phát triển việc làm thỏa đáng và sử dụng hợp lý lực lượng lao động…

Theo Báo Dân trí

hỏi đáp

Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình Vĩnh phúc tiếp nhận và trả lời tất cả các vẫn đề thắc mắc về dân số và các chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình.