Chuyện về các cộng tác viên dân số ở cơ sở
Nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân của cộng tác viên dân số; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp nhưng đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở vẫn thầm lặng, nhiệt tình với công việc. Nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân của cộng tác viên dân số; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Họ có vai trò không nhỏ trong việc đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện tốt công tác dân số, bà Bình hầu như nắm rõ hoàn cảnh mỗi gia đình trong tổ dân phố Ngót 30 năm làm cộng tác viên dân số ở tổ dân phố Giáp Giang, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, bà Đào Thị Bình đã trở nên thân thuộc với mỗi hộ gia đình nơi đây. Bà cho biết, những ngày đầu làm công tác dân số, bà gặp không ít khó khăn, bởi người dân nơi đây 100% dân tộc Sán Dìu, nhận thức về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con còn nhiều hạn chế. Tư tưởng có con trai để nối dõi tông đường, vui cửa vui nhà còn ăn sâu vào mỗi người dân. Cũng chính vì thế, bà Bình đã gặp không ít những chuyện dở khóc dở cười trong quãng thời gian làm công tác dân số. Bà Bình nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, việc vận động chị em độ tuổi sinh đẻ trong tổ dân phố sử dụng các biện pháp tránh thai là một điều rất khó khăn. Bà thường xuyên phải gần gũi, đến từng gia đình để tìm hiểu rõ hoàn cảnh, tìm cách vận động phù hợp. Vậy mà có gia đình, bà đã vận động được vợ đi đặt vòng tránh thai, nhưng chị lại giấu chồng, sau đó, chồng chị đã đến tận nhà cộng tác viên dân số để mắng mỏ và đe dọa. Hồi ấy, tuổi còn trẻ, những lúc như thế, bà không khỏi lo lắng và nản lòng. Nhưng rồi trước những thách thức, bà không muốn từ bỏ, bà muốn góp phần nhỏ để giúp mỗi gia đình nhận thức tốt hơn về công tác kế hoạch hóa gia đình, có điều kiện nuôi dạy con tốt hơn và phát triển kinh tế. Bà đã thay đổi cách tuyên truyền, vận động, ngoài việc đến từng nhà, gặp từng người, vận dụng tất cả những kinh nghiệm, kiến thức để tuyên truyền cho người dân, bà còn lồng ghép trong các buổi họp tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ, kể cả những khi làm đồng. Mưa dầm thấm lâu, dần dần các cặp vợ chồng cũng hiểu được những hệ lụy của việc sinh nhiều con, những lợi ích do kế hoạch hóa gia đình mang lại. Nhận thức thay đổi dẫn đến hành vi thay đổi. Người chồng đã từng đến tận nhà đe dọa bà trước đây cũng đã hiểu và đến tận nhà để xin lỗi bà. “Tôi thấy rất vui và có thêm động lực để tiếp tục công việc ý nghĩa này. Niềm vui của những cộng tác viên dân số chúng tôi chỉ đơn giản như vậy thôi”- bà Bình chia sẻ. Cũng nhờ những cộng tác viên tích cực như bà cùng với cuộc sống thay đổi mỗi ngày, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, hiện công việc của những cộng tác viên dân số cũng không còn vất vả như trước nhưng bà vẫn bền bỉ từng ngày, góp phần đưa công tác dân số ở cơ sở ngày càng phát triển. Nhờ đó đến nay, tổ dân phố Giáp Giang có hơn 500 hộ gia đình, 126 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì đa phần các gia đình đều có 2 con. Cũng ngót 25 năm gắn bó với công tác cộng tác viên dân số, bà Hoàng Thị Quế Chi, thôn Điền Trù, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương còn nhớ rất rõ những năm tháng đầu tiên làm công tác này với rất nhiều vất vả, khó khăn. Những ngày ấy, nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế nên tình trạng sinh con ngoài ý muốn thường xuyên xảy ra, trong khi hầu hết các gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn. Nắm được mấu chốt của vấn đề, bà không ngần ngại dành thời gian kiên trì đến từng nhà vận động, tuyên truyền. Nhiều trường hợp vợ đồng tình nhưng chồng không đồng ý dẫn đến trong gia đình phát sinh mâu thuẫn, có khi xảy ra xung đột giữa vợ và chồng. Những lúc như thế, bà Chi lại đến các gia đình làm công tác tư tưởng, xoa dịu các ông chồng. Bà chia sẻ: “Nhận thức của người dân thời ấy còn rất hạn chế, nhiều người biết sinh nhiều con không có điều kiện nuôi dạy con tốt, kinh tế gia đình lại càng khó khăn hơn, nhưng khi được tuyên truyền các biện pháp tránh thai, mọi người lại lo lắng sợ ảnh hưởng đến quá trình sinh sản sau này nên rất khó khăn cho chúng tôi trong công tác vận động”. Với lợi thế là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, bên cạnh việc tìm hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình từng chị em để vận động, bà Chi còn linh hoạt trong các phong trào phụ nữ, bà lồng ghép phát động phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn giữa các tổ, nhóm hội viên để chị em phụ nữ cùng nhau thi đua phấn đấu. Mưa dầm thấm lâu, dần dần các chị em phụ nữ đã hiểu và nhiệt tình ủng hộ. Linh hoạt trong cách làm, những năm qua, bà Chi luôn là một trong những cộng tác viên dân số hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cũng theo bà, hiện công việc của cộng tác viên dân số không còn khó khăn, vất vả như trước, bởi nhận thức của người dân ngày một nâng cao. Nhưng đời sống của người dân ngày càng phát triển, nhiều gia đình sinh con một bề vẫn muốn sinh thêm, bà tiếp tục cần mẫn với công việc của người cộng tác viên dân số, tuyên truyền, vận động góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số, hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, hơn 200 hộ gia đình trong thôn với gần 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 100% phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, có 2 hộ gia đình sinh con thứ 3. Hơn 20 năm làm cộng tác viên dân số ở thôn Đạo Trù Hạ, xã Đạo Trù, ông Lê Văn Ngọc luôn được bà con yêu mến bởi cách làm hay, linh hoạt. Đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn làm tốt vai trò là cán bộ y tế thôn và cộng tác viên dân số của thôn. Tuy thù lao chẳng đáng là bao nhưng ông vẫn quyết tâm hoàn thành tốt công việc, và điều đó được minh chứng bằng kết quả trong thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của thôn. Ông Ngọc cho biết: 99% người dân trong thôn là dân tộc Sán Dìu, trình độ dân trí còn thấp, chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng, tuy tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi diễn ra chưa nhiều nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trong thôn lại rất cao bởi người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường. Trước tình hình đó, ông Ngọc đã kiên trì thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tranh thủ vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình mọi lúc, mọi nơi. Là nam giới, nhưng ông Ngọc lại nhận thấy lợi thế của nam cộng tác viên dân số và tận dụng tối đa những lợi thế ấy. Nếu như các nữ công tác viên dân số dễ dàng tiếp cận và chia sẻ với chị em thì ông Ngọc lại đi theo hướng tiếp cận và tuyên truyền cho các ông chồng trước, bởi theo ông, nếu vận động thành công từ người chồng, giúp họ nhận thức đúng đắn, không mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, không sinh con thứ 3 thì việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ rất thuận lợi và thành công. Ông Ngọc chia sẻ: “Khi mới tiếp cận công việc này, tôi gặp không ít khó khăn; có những gia đình khi tôi đến vận động, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình còn phản ứng quyết liệt, có thái độ không hợp tác, có khi họ còn nói rằng: "Tôi đẻ tôi nuôi, các ông có nuôi đâu mà can thiệp". Nghe những lời đó, tôi không khỏi phiền lòng, nhưng cũng không hề làm tôi nản chí, bên cạnh việc tự mình đi tuyên truyền, tôi tìm cách phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong thôn để tuyên truyền, vận động, lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt thường kỳ để người dân hiểu chủ trương, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của Đảng, Nhà nước và đồng thuận thực hiện”. Từ việc tích cực tuyên truyền, vận động của ông Ngọc, người dân trong thôn đã dần hiểu ra sinh nhiều con sẽ vất vả, cần tập trung phát triển kinh tế gia đình để nuôi dạy các con tốt hơn. Với hơn 1.000 nhân khẩu, gần 250 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, từ đầu năm đến nay, thôn chỉ có 4 trường hợp sinh con thứ 3, tình trạng mất cân bằng giới tính hầu như mấy năm gần đây không xảy ra; người dân trong thôn chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả như dùng bao cao su, uống thuốc, đặt vòng... Cộng tác viên dân số Nguyễn Thị Thoa đến từng hộ gia đình để tuyên truyền công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình Người ít thâm niên hơn trong công tác dân số, chị Nguyễn Thị Thoa, thôn Núc Thượng, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo có ngót 10 năm làm công tác này cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại với công việc cộng tác viên dân số. Chị chia sẻ: Trong thời gian làm cộng tác viên dân số, trăn trở trước tình trạng tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh ở thôn cao, với lợi thế trong ban chấp hành chi hội phụ nữ thôn, chị đã tích cực đến nhà từng chị em phụ nữ để tuyên truyền, phân tích, giải thích cho họ hiểu, đến 1 lần chưa thông thì đến 2 rồi 3 lần. Không những thế, trong những buổi họp thôn, sinh hoạt hội phụ nữ, nông dân chị cũng tâm sự, chia sẻ với các chị em; chính sự gần gũi đó giúp các chị em hiểu ra và rủ nhau sử dụng những biện pháp tránh thai an toàn nhất. Ngoài ra, chị còn tìm hiểu những gia đình khá giả, gia đình sinh con 1 bề có ý định sinh thêm con, phối hợp với chi hội phụ nữ thôn để tuyên truyền, tư vấn cho họ hiểu chỉ nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. “Tuy nhiên, không phải nói vận động là được, có nhiều gia đình sinh con một bề, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn ăn sâu vào tâm thức thì việc vận động rất khó khăn, nhất là những năm gần đây, có nhiều gia đình kinh tế khá giả, muốn sinh thêm con. Đối với những trường hợp này, tôi còn tận dụng các tổ chức, hội đoàn thể, thậm chí cả trưởng thôn, người có uy tín trong thôn để vận động. Việc làm này cũng phải mưa dầm thấm lâu, không thể một sớm một chiều. Nhưng cũng đáng mừng là hầu hết các gia đình được tuyên truyền, vận động đều hiểu và nghiêm túc thực hiện.”- chị Thoa tâm sự. Nhờ đó đến nay, hơn 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thôn Núc Thượng thường xuyên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 trong thôn đã giảm hẳn. Khi đã gắn bó với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, các cộng tác viên dân số đều mang trong mình nhiệt huyết, nỗ lực và cố gắng không ngừng, bởi họ đều nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa giúp thay đổi nhận thức của người dân, vun đắp thêm hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Hồng Yến - CTTGTĐT