Chất lượng dân số
Chất lượng dân số là tập hợp các đặc trưng xã hội và con người của cộng đồng dân cư. Các đặc trưng này bao gồm thể lực, sức chịu đựng, trí thông minh, đạo đức, khả năng tư duy và trình độ học vấn hoặc tay nghề của cư dân trong cộng đồng
Chất lượng dân số đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của một dân tộc/ quốc gia.
Quyết định sự tồn tại hay không tồn tại, sự phát triển nhanh hay chậm, bền vững hay không bền vững của dân tộc, quốc gia đó. Mặt khác cũng là nhân tố quyết định tới đời sống xã hội và kinh tế ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, quan niệm thế nào là chất lượng dân số vẫn còn là một vấn đề cần trao đổi, đặc biệt là trong thời đại nền kinh tế tri thức bắt đầu hình thành ở nhiều nước trên thế giới.
I. Quan niệm về chất lượng dân số
Từ đầu những năm 1980 các nhà nghiên cứu dân số và phát triển đã quan tâm tới vấn đề phát triển con người và ảnh hưởng của nó tới sự phát triển của nền kinh tế của các quốc gia. Thuật ngữ “chất lượng dân số” cũng xuất hiện nhiều từ đấy. Cho đến nay, có ba luồng quan niệm cơ bản về chất lượng dân số.
a. Quan niệm thứ nhất[1] cho rằng chất lượng dân số là tập hợp các đặc trưng xã hội và con người của cộng đồng dân cư. Các đặc trưng này bao gồm thể lực, sức chịu đựng, trí thông minh, đạo đức, khả năng tư duy và trình độ học vấn hoặc tay nghề của cư dân trong cộng đồng.
b. Quan niệm thứ hai[2] cho rằng chất lượng dân số chính là tập hợp các cấu trúc khác nhau của dân số mà theo C. Mar các cấu trúc này được quyết định bởi phương thức sản xuất cũng như chất lượng lao động xã hội. Các cấu trúc này bao gồm cấu trúc giai cấp, cấu trúc xã hội, sức khoẻ, giáo dục, nghề nghiệp, hôn nhân, giới tính, độ tuổi, dân tộc,...
c. Quan niệm thứ ba[3] cho là chất lượng dân số cần phải được xem xét trên góc độ lý thuyết về vốn con người (human capital). Những người theo chủ thuyết này cho rằng có một tập hợp các đặc trưng cơ bản tạo nên chất lượng của dân số. Các đặc trưng này bao gồm sức khỏe, trình độ học vấn, trình độ nghề nghiệp và kinh nghiệm sản xuất ra của cải vật chất... Luồng quan niệm này rất gần với khái niệm “phát triển con người” mà UNDP đề xuất.
Một điều đáng lưu ý là tất cả các quan niệm trên đều gạt bỏ yếu tố tái sản xuất dân số ra khỏi đặc trưng phản ánh chất lượng của dân số.
d. Theo chúng tôi chất lượng dân số cần phải được xem xét dưới tất cả các góc độ khác nhau, bao gồm nhân chủng học, nhân khẩu học, ổn định xã hội,...
Một dân số không thể được coi là có chất lượng cao nếu như một ngày nào đó không còn tồn tại. Một dân số cũng không thể được coi là có chất lượng cao nếu bao gồm toàn những người ốm yếu. Một dân số không thể được coi là có chất lượng nếu dân cư của nó sống trong cảnh nghèo nàn và lạc hậu. Nó càng không thể được coi là có chất lượng cao nếu trình độ học vấn của dân cư không cao.
Nói tóm lại một dân số được coi là có chất lượng tốt nếu đảm bảo sự sinh tồn của mình, nếu cộng đồng dân cư có sức khỏe tốt, có tỷ lệ người tàn tật, tỷ lệ người mắc bệnh thần kinh thấp, có trình độ học vấn cao, có đời sống vật chất và tinh thần cao, được tự do phát triển, có sự gắn kết cộng đồng cao (có tính đoàn kết thương yêu nhau cao) và được đảm bảo về mặt an ninh.
II. Chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số
a. Với quan niệm như trên, chỉ tiêu phản ánh chất lượng của dân số phải là sự tổng hoà của tất cả các yếu tố đã đề cập ở trên. Liên hợp quốc đã đưa ra chỉ số HDI (Human Development Index) để đo sự phát triển nguồn nhân lực. Chỉ tiêu này bước đầu có thể coi là chỉ tiêu phản ánh chất lượng của dân số. Hợp phần của chỉ tiêu này bao gồm tuổi thọ bình quân lúc sinh của dân số, thu nhập bình quân đầu người và trình độ học vấn của dân số. Tuy nhiên, HDI vẫn chưa phản ánh đầy đủ quan niệm về chất lượng dân số. Tuy tuổi thọ phản ánh được tình trạng thể lực chung của các cá nhân trong cộng đồng; thu nhập bình quân đầu người phản ánh được mức sống của người dân và trình độ học vấn phản ánh được trí lực chung của các cá nhân trong cộng đồng dân số, song ngay cả các mặt đã phản ánh thì vẫn chưa đầy đủ. Thật vậy, tuy thu nhập bình quân đầu người phản ánh mức sống vật chất của dân cư, nhưng nếu như vẫn có một bộ phận rất lớn dân số sống nghèo khổ (do phân bố thu nhập giữa các tầng lớp dân cư qúa chênh lệch) có thể coi là có chất lượng cao được không?; Thành phần học vấn (education) trong chỉ tiêu HDI tuy được hợp thành bởi hai chỉ tiêu tỷ lệ biết chữ và số năm đi học bình quân của dân cư, song vẫn chưa thể phản ánh đầy đủ trí lực của dân số, bởi tỷ lệ biết chữ cao nhưng tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên lại rất thấp thì liệu có thể tiếp thu được kiến thức ngày càng đồ sộ của nhân loại được hay không mà coi là có trí lực cao?
Chỉ tiêu HDI hoàn toàn thiếu vắng thành phần tái sản xuất dân số. Liệu một dân số có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bằng 0 hoặc âm (-) có thể coi là dân số có chất lượng cao được không?. Mặt khác trong HDI cũng thiếu vắng luôn các thành phần khác như đời sống tinh thần, nền dân chủ, mức độ gắn kết cộng đồng và an ninh xã hội,...
b. Chỉ tiêu HDI chưa phản ánh đầy đủ về chất lượng dân số vì vậy cần phải hoàn thiện nó để có thể phản ánh một cách sát thực hơn về chất lượng dân số. Các hướng cần khắc phục theo chúng tôi là trên cơ sở các thành phần của HDI, bổ sung các thành phần quan trọng khác có ảnh hưởng tới chất lượng dân số, ví dụ như bổ sung thành phần tái sản xuất dân số (lấy mức sinh thay thế (2,16 con/1 phụ nữ làm chuẩn mực), thành phần ổn định chính trị, xã hội... Các thành phần đã được đưa vào HDI như thu nhập bình quân một đầu người, giáo dục cần được xem xét và tính đến hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (thể hiện bằng hệ số GINI) và tỷ lệ người tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Cách xây dựng một HDI mới phản ánh sát thực hơn chất lượng của dân số có lẽ cần được bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.