Sàng lọc trước sinh và sơ sinh - Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển xã hội luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của mỗi quốc gia. Để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần, việc quan tâm đến đứa trẻ từ khi bắt đầu được hình thành trong bụng mẹ và sức khỏe của bà mẹ là rất cần thiết

Thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh mang lại cơ hội sinh con khỏe mạnh, giảm tỷ lệ bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giảm chi phí cho gia đình và xã hội góp phần cải thiện chất lượng dân số. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp quan trọng; trong đó yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Tại Vĩnh phúc, Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp, giảm thiểu sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh” được triển khai từ năm 2011, đến nay 100 % các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã thực hiện tốt chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại đơn vị và 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đây là một trong những đề án mang lại nhiều kết quả quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dân số. 

Sàng lọc trước sinh là quy trình được thực hiện bằng các xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu bệnh phẩm từ thai nhi và siêu âm cho phụ nữ mang thai ở các tuần. Ở tuần thai 11 - 14 kiểm tra hình thái thai nhi, đặc biệt là đo độ mờ da gáy, chỉ số độ mờ da gáy cho biết, trẻ có nguy cơ mắc các hội chứng do bất thường nhiễm sắc thể như Down. Các dị tật hình thái khác có thể sàng lọc ở thời điểm này như: thai vô sọ, khe hở thành bụng…Tuần thai 21 - 24 cho biết dị tật thai nhi có thể phát hiện được như: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật hệ thần kinh (não úng thủy, tật nứt đốt sống,…), dị tật hệ tiêu hóa, tim, bất thường hệ sinh dục…Tuần thai 30 - 32 vào thời điểm này đánh giá nguy cơ, vừa dự phòng sinh phù hợp và các dị tật, bất thường ở thai như: dị tật cấu trúc tim mạch, bất thường cấu trúc não, dây rốn quấn quanh cổ, vị trí bám của dây rốn bất thường… 

Quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện nhằm phát hiện sớm dị tật bẩm sinh, vì có những trường hợp khi đứa trẻ ra đời rồi mới có thể phát hiện được một số bệnh. Kỹ thuật sàng lọc sơ sinh được thực hiện bằng cách lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 24 - 48 giờ sau khi trẻ sinh ra để phát hiện các bệnh: Thiếu men G6PD (gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động); suy tuyến giáp trạng bẩm sinh (chậm phát triển trí tuệ) và tăng sản thượng thận bẩm sinh (bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính)…

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng trên 20.000 phụ nữ mang thai và có khoảng 18.000 đến 19.000 trẻ em sinh ra. Để mỗi người dân, đặc biệt các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực sự biết được lợi ích từ việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Chi cục Dân số - KHHGĐ tích cực duy trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú, đa dạng giúp người dân có cơ hội được tiếp cận, nâng cao sự hiểu biết về lợi ích của việc sàng lọc chẩn đoán trước sinh, sơ sinh từ đó mọi trẻ em sinh ra và phụ nữ có thai đều được tầm soát và chẩn đoán sớm, nhằm tránh được những dị dạng ở thai nhi, sơ sinh. Cụ thể năm 2019, Chi cục Dân số tiếp tục triển khai công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh như: Cử 2 Bác sỹ tham dự lớp đào tạo siêu âm cơ bản và nâng cao về chẩn đoán trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tập huấn cho 475 cán bộ chuyên trách, cộng tác viên Dân số của các xã, phường trên địa bàn huyện Yên Lạc và thành phố Phúc Yên về kiến thức, kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Tăng cường truyền thông tư vấn trực tiếp cho các bà mẹ mang thai kết hợp khám sàng lọc trước sinh cho hàng  nghìn đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng thuộc diện chính sách, vùng nông thôn, miền núi. Tiếp tục cung cấp kiến thức về lợi ích sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các đối tượng có liên quan tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, xây dựng phóng sự tuyên truyền trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, biên tập in các loại tờ rơi, làm mới các pa nô, áp phích tuyên truyền về sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Nữ hộ sinh - Nguyễn Thị Thanh Huyền  thực hiện lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh - Khoa Phụ Sản  - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Sinh ra một đứa con lành lặn, khỏe mạnh là mong ước của tất cả các bậc cha mẹ. Điều ấy không chỉ mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Trao đổi với anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương cho biết: “Từ khi vợ em mang thai được các bác Cộng tác viên Dân số trên địa bàn thôn đã đến nhà để tư vấn cho vợ em đi khám sàng lọc trước sinh, trong quá trình mang thai vợ em thực hiện đầy đủ các  mốc thời gian sàng lọc. Đến nay, vợ em sinh cháu tại Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc được các y, bác sỹ tư vấn cho gia đình lấy máu gót chân cho trẻ để xét nghiệm phát hiện một số bệnh như: thiếu men G6PD, Suy giáp trạng bẩm sinh… Qua tìm hiểu trên các kênh thông tin và cũng như được các y bác sỹ đã tư vấn, bản thân em và các gia đình ở đây nhận thấy chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh là rất cần thiết. Sàng lọc để phát hiện sớm được tật bệnh ở trẻ sơ sinh, giúp các gia đình có phương pháp chăm sóc, có chế độ ăn uống hợp lý và điều trị sớm để trẻ được khỏe mạnh, phát triển hoàn toàn bình thường đây là điều mong muốn nhất của các gia đình”.

Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ tăng cường phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tư vấn, thực hiện tốt quy trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh tại đơn vị. Cụ thể, Bệnh viện Sản Nhi thực hiện tư vấn, lấy mẫu máu sàng lọc cho trẻ sơ sinh; Tư vấn, theo dõi, chẩn đoán sàng lọc trước sinh cho các bà mẹ mang thai đến khám tại đơn vị. Hàng năm, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh, thực hiện tiếp nhận mẫu máu, thông báo, tư vấn và trả kết quả xét nghiệm cho trên 10.000 mẫu máu theo đúng quy trình.

Bác sỹ Vũ Thị Hảo - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Các sản phụ sinh con tại khoa được các Y bác sỹ tư vấn rất kỹ cho sản phụ và gia đình sản phụ biết về lợi ích của việc sàng lọc sơ sinh cho trẻ. Hiện tại, Bệnh viện đã thực hiện sàng lọc được các bệnh như: Thiếu men G6PD, Suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa Phenylaiamin, rối loạn chuyển hóa đường Galactose và nghe tim, đo thính lực … Đến nay, 100% số trẻ sinh ra tại khoa được lấy mẫu máu làm xét nghiệm các bệnh miễn phí cũng như các bệnh xã hội hóa”.

Với sự nỗ lực tuyên truyền cung cấp kiến thức cho người dân, đồng thời  tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Năm 2019 toàn tỉnh có 17.378 bà mẹ tham gia sàng lọc trước sinh trên tổng số 20.209 bà mẹ mang thai chiếm 86%. Trong đó, chẩn đoán xác định 26 trường hợp mắc hội chứng Down; Số trẻ được sàng lọc sơ sinh là 11.399 trẻ/19.425 trẻ sinh ra năm 2019, chiếm 58,7%. Trong đó phát hiện 121 trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD; 4 trẻ suy giáp trạng bẩm sinh. Các trường hợp nghi ngờ đều được tư vấn cho gia đình đưa trẻ về Bệnh viện Nhi Trung ương để được tư vấn điều trị.

Việc tham gia thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cả trẻ sơ sinh và người mẹ. Sàng lọc để phát hiện, chẩn đoán và can thiệp, điều trị kịp thời để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

                                                                  Hồng Lụa -  Phòng TT-GD

 

hỏi đáp

Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình Vĩnh phúc tiếp nhận và trả lời tất cả các vẫn đề thắc mắc về dân số và các chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình.