Bạn cần biết về Bệnh Phụ khoa

Bệnh phụ khoa là từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục nữ bao gồm viêm nhiễm cơ quan sinh dục ngoài (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung) và viêm nhiễm cơ quan sinh dục trong (tử cung, vòi trứng, buồng trứng…).

Bệnh phụ khoa thường gặp ở hơn 90% nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhất là nhóm phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đối với các chị em chưa quan hệ tình dục cũng có tỷ lệ mắc bệnh khoảng 15-20%.

Đây là căn bệnh thầm kín khiến nhiều chị em có tâm lý ngại đi khám dẫn đến khi bệnh tiến triển nặng mới đi khám, điều đó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: nhiễm nấm âm đạo, nhiễm khuẩn âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm phần phụ, viêm buồng trứng, viêm tắc vòi trứng, ứ nước vòi trứng gây vô sinh, thậm chí viêm phúc mạc tiểu khung, ung thư cổ tử cung… Bệnh phụ khoa không chỉ khiến phụ nữ khó chịu, thiếu tự tin trong giao tiếp mà còn tác động tiêu cực tới đời sống  tình dục, hôn nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến thiên chức làm mẹ.

 

1.     Nguyên nhân gây ra bệnh phụ khoa

Bệnh phụ khoa có thể bắt nguồn từ nhiều thói quen trong cuộc sống, cũng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác. Trong nhiều báo cáo nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các tác nhân và nguy cơ gây viêm nhiễm âm đạo như:

- Khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động, nhất là vi khuẩn vùng âm đạo.

- Thói quen sử dụng quần lót chật, chất liệu không thoáng khí, thụt rửa sâu vào trong âm đạo

- Thói quen ăn uống sinh hoạt không khoa học, stress, sự thay đổi môi trường sống đột ngột...

- Sử dụng các dung dịch vệ sinh, băng vệ sinh không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp với cơ địa.

- Quan hệ tình dục không an toàn.

- Có tiền sử nạo, hút thai, sảy thai hoặc các can thiệp phẫu thuật vùng sinh dục…

- Mất cân bằng nội tiết tố.

- Mắc các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, các bệnh suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém, dùng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh... gây ra mất cân bằng hệ vi sinh vật thường trú và độ pH tại âm đạo.

Độ pH âm đạo và mối liên quan đến các bệnh phụ khoa

Bình thường môi trường âm đạo có tính hơi axit. Độ pH âm đạo dao động từ 3.8 đến 4.5 kèm theo đó là hệ vi khuẩn phong phú bao gồm cả lợi khuẩn âm đạo và hại khuẩn ở trạng thái cân bằng. Sở dĩ độ pH âm đạo ở ngưỡng axit là do chủng Lactobacillus - một loại vi khuẩn thường thú trong âm đạo giúp giải phóng hydro peroxide và axit lactic. Nhờ đó mà âm đạo chống lại được nhiều loại vi khuẩn có hại, nấm men và các tác nhân gây bệnh khác.

Lợi khuẩn âm đạo giúp duy trì độ pH sinh lý của phụ nữ

Độ pH sinh lý âm đạo có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của một người và theo độ tuổi như sau:

- Độ pH âm đạo > 4.5 gặp ở bé gái chưa dậy thì và phụ nữ sau khi mãn kinh.

- Độ pH âm đạo < 4.5 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Khi môi trường vùng âm đạo có độ pH tăng lên (tức là giảm tính axit) sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây viêm nhiễm âm đạo phát triển.
Độ pH âm đạo tăng  axit sẽ giúp loại bỏ các tác nhân gây viêm nhiễm âm đạo. Tuy nhiên, ngưỡng pH quá axit cũng dễ gây ra những vấn đề trở ngại liên quan đến khả năng sinh sản, nhất là khi pH< 3.8.

Chính bởi vì ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản, các bệnh lý phụ khoa mà việc đảm bảo cân bằng pH âm đạo và duy trì số lượng lợi khuẩn âm đạo cần có trở nên đặc biệt quan trọng với nữ giới.

2.     Cách phòng tránh

 Để phòng tránh bệnh phụ khoa  và duy trì trạng thái cân bằng pH âm đạo cũng như môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi trú ẩn giúp bảo vệ cơ thể, bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

- Tránh sử dụng các sản phẩm có tính kiềm (xà phòng) để vệ sinh vùng kín và thụt rửa âm đạo. Xà phòng thường có độ pH cao và sử dụng chúng để làm sạch khu vực âm đạo có thể làm tăng pH âm đạo. Tốt nhất là sử dụng nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu vào âm đạo…

-Tắm rửa và thay quần lót thường xuyên , vệ sinh âm hộ hằng ngày và sau mỗi lần đi tiểu, đi đại tiện bằng nước ấm sạch.

- Bổ sung men vi sinh, lợi khuẩn Lactobacillus hoặc các viên đặt chứa Probiotic giúp phục hồi mật độ vi khuẩn tự nhiên của âm đạo.

- Thay băng vệ sinh thường xuyên, ít nhất 4 giờ/ lần trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu để quá lâu có thể làm tăng độ pH âm đạo vì độ pH của máu thường >7.

- Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục không chỉ giúp tránh thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mà còn có thể ngăn ngừa tinh dịch và các chất lỏng khác ảnh hưởng đến độ pH âm đạo.

- Bổ sung estrogen ở những phụ nữ bị thiếu hụt.

- Sử dụng nguồn nước sạch để vệ sinh vùng kín.

- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là chất xơ và vitamin C.

- Tập thể dục thường xuyên.

- Ngủ sớm, hạn chế thức khuya.

Bệnh phụ khoa là điều khó tránh khỏi đối với các chị em, đặc biệt là các chị em trong độ tuổi sinh sản. Đây là bệnh rất dễ mắc phải nhưng không quá khó khăn trong việc chữa trị. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến việc sinh sản, thậm chí là vô sinh ở nữ giới.

                                                                                                       Hải Long – Phòng TTGD (ngày 26.6.2020)

hỏi đáp

Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình Vĩnh phúc tiếp nhận và trả lời tất cả các vẫn đề thắc mắc về dân số và các chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình.